©

©
MetroTam.

Căn nhà dưới bóng cây táo của Beethoven

Căn nhà dưới bóng cây táo của Beethoven

Tưởng nhớ Mark Joseph Holandes Ubalde (1986-2019)

Một tuần trước khi đến Wien, tôi cứ lải nhà lải nhải với Joseph rằng sẽ phải tới nhà Beethoven ở Heiligenstadt, rằng người ta nói Beeth đã cải thiện thính giác khi chuyển đến đó, rằng gần đó có một con suối ông hay ra ngồi luyện thính giác, rằng... một trăm thứ "rằng"!!!

Thế nên, ngay sáng đầu tiên ở Wien, Joseph – đội trưởng đội-lang-thang – đã quyết định: “Hôm nay tụi mình sẽ đến nhà chú Beeth của nhỏ Mai, Ok?”. Joann và Damar liếc sang tôi, rúc rích cười.  

Đường đến nhà “chú Beeth”

Sách du lịch chỉ hai đường đi tàu điện mặt đất (tàu TRAM) để đến nhà Beethoven: Đường ngắn 200m thì xuống trạm Armbrustergasse rồi xuôi đến đường Probusgasse là tới. Đường xa dài hơn cây số thì xuống trạm Nußdorf, leo lên đồi, men theo suối, và phải lòng vòng thêm một quãng. Joseph bất chấp trời lạnh, quyết định: “Tụi mình sẽ đi tới Nußdorf nhé!”.

Đến trạm, phải nhờ một cụ già chỉ dẫn, chúng tôi mới tìm ra lối lên đồi. Từ đó, cả nhóm rảo bước trên cung đường thoai thoải dốc, một bên là biệt thự cổ yên ắng sau những hàng giậu, một bên là con suối nhỏ đang tan băng róc rách tiếng chảy và miên man hoa vành ven bờ cũng còn đọng tuyết lấm tấm. Đây chính là đường Beethovengang, con đường mà người ta nói rằng chú-Beeth-của-tôi ngày trước vẫn thường qua lại.

Giờ đi giữa tiếng suối chảy, tiếng chim kêu, có lúc tôi mơ màng lạc về đầu thế kỷ 19. Và khi mặt trời đứng bóng thì đến một công viên, thấy Beethoveen ở đó, tóc tai vào nếp chứ không bù xù như trong bức chân dung mà Joseph Karl Stieler họa năm 1820, nhưng miệng ông thì vẫn mím trễ xuống, đầy khó tính. Ông ở đó, bên suối, lặng thinh, trầm tư, mắt chăm chú nhìn xuống dòng nước nhỏ.

Tấm bảng đồng gắn ở công viên giải thích rằng bức tượng Beethoven này được khánh thành năm 1863, đặt đúng nơi ông thường ra ngồi nghe tiếng suối chảy. Từ đó đi xuống phía Nam thêm nửa cây số thì đến số 6 đường Probusgasse. Đó là một căn nhà giản dị có tấm biển đề “Beethoven Haus” (Nhà Beethoven), thế mà khi đẩy cánh cổng gỗ bước vào, lòng tôi cứ nao nao lên. “Sao tôi run quá, Mai ạ!”, Damar thì thầm.

Căn nhà dưới bóng cây táo

Một vuông sân nhỏ hiện ra tĩnh lặng dưới bóng cây cổ thụ, mà tôi tin đó là cây táo. Nó đã ở đó từ thế kỷ 18, rải lá đầy sân mỗi mùa thu, dưới những bước chân vội vã của Beethoven, hay trong ánh nhìn bi quan của ông khi viết bản chúc thư Heiligenstädter Testament năm 1802 cho anh trai – mà không bao giờ gửi – nói về chuyện bị điếc. Tôi đi qua sân, bước lên cầu thang gỗ, rồi xoay nhẹ một tay nắm cửa bằng sứ để mở cửa bước vào.

Khu trưng bày rộng 120m2 không tái dựng không gian sống của Beeth, nhưng giữa những bức tường từng thấm tiếng đàn của nhà soạn nhạc, một chiếc piano cũ đặt ở vị trí trung tâm dù không đánh cũng khiến khách tham quan nghe văng vẳng bản nhạc nào đó. Tôi nghe thấy bản Für Elise, còn Damar nghĩ rằng anh đã nghe thấy bản Sturm Sonate mà ông đã viết trong chính căn nhà này.

Thực ra ở đây Beeth chỉ sống trong một căn phòng 40m2. Nhưng có vẻ ông lấy làm hài lòng, nên đã viết thư kể với người thân rằng: “Tôi đang rất ổn. Dường như thính giác đã cải thiện, vì tôi có thể nghe thấy tiếng suối chảy gần đây”. Bản thư này cũng được trưng bày bên một số vật dụng khác, trong đó có chiếc tai nghe bằng đồng giúp khuếch đại âm thanh để Beeth nghe được tiếng đàn.

Joann thì cứ đứng sững sờ trước một bức tượng được đúc lại từ tấm mặt nạ thạch cao từng đắp trên mặt Beeth khi ông vừa qua đời. Rồi Joann thắc mắc: “Trông ông ấy có khó tính lắm đâu!”… Không quá nhiều thứ để xem, nhưng những kẻ hâm mộ sẽ cứ lanh quanh mãi trong gian trưng bày, quyến luyến đến độ khi ra về, cứ mân mê tay nắm cửa.

Damar đã quay sang hỏi tôi: “Này, nghĩ mà xem, Beethoven đã chạm tay vào đây bao nhiêu lần rồi nhỉ?”.

Trong cái nắng óng lên cuối chiều, chúng tôi trở ra công viên Beethoven, ngồi xuống băng ghế và nghe tiếng nước chảy như ông từng làm hai thế kỷ trước, lòng bỗng dâng trào một niềm hạnh phúc khi nghĩ rằng trong kiếp người này, chúng tôi thật may mắn vì nghe được tiếng suối róc rách và những bản nhạc tuyệt vời của Beeth. Bất giác Joseph ngân nga khúc An die Freunde, tôi hát theo cậu, thấy đời mình thật hân hoan.

Bản đầu tiên đăng trên báo
Thế Giới Tiếp Thị tháng 11.2019

 

Nhà soạn nhạc người Đức Ludwig van Beethoven (1770-1827) đến sống và làm việc ở Wien từ năm 1792. Ông chuyển nhà 80 lần quanh thành phố và năm 1802, theo lời khuyên của bác sĩ, ông đến sống trong căn hộ ở số 6 đường Probusgasse của làng Heiligenstadt, cách trung tâm Wien chừng chục cây số. 

Leave a Reply