©



©
Tác phẩm graffitti của Birgit Kinder trên Bức tường Berlin. Caro Sodar, Pixabay.

KÝ ỨC XE TRABANT

Xe các-tông vừa đi, vừa sửa

KÝ ỨC XE TRABANT

Xe các-tông
vừa đi, vừa sửa
Được trưng bày ngay mặt tiền Bảo tàng DDR ở thủ đô Berlin của nước Đức là một chiếc Trabant màu trắng ngà còn cáu cạnh mà...

khách tham quan có thể thoải mái mở cửa xe và thử chút trải nghiệm, như ngồi vào ghế lái cầm vô-lăng, chui xuống băng ghế sau ngả lưng, hay ngó nghiêng đồ đạc để trong cốp, rồi nghe kể vài chuyện vui về cuộc sống của dân Đông Đức ngày trước với chiếc xe này.

Xe đua các-tông

Đó là loại xe mà nội các Cộng hoà Dân chủ Đức (DDR, còn gọi là Đông Đức) vào năm 1954 hạ quyết tâm chế tạo để đua ganh với chiếc Volkswagen* của Cộng hoà Liên bang Đức (BRD, còn gọi là Tây Đức). Yêu cầu cho xe này là: Không nặng quá 600kg, không tốn quá 5,5 lít xăng cho 100km đường, và giá không quá 4.000 mark.

Ngày 1.11.1957, sau ba năm nghiên cứu, DDR xuất xưởng lô xe đầu tiên. Có tên là Trabant P50, xe tốn 6,8 lít xăng cho 100 km đường, giá đến 8.360 mark, nhưng vẫn được đón nhận, vì kiểu dáng đẹp, có điều hoà không khí. Về sức mạnh, Trabant P50 dùng động cơ 18 mã lực, hai thì (như trong xe đua), vận tốc tối đa tới… 100km/h!

trabant p50 1957
Chiếc Trabant P50 đời đầu, sản xuất năm 1957, đấu giá tại Mỹ năm 2014.
Darin Schnabel / RM Auctions.

Đến năm 1959, Trabant P50 được gọi là Trabant P500, có 14 màu, trang bị động cơ 20 mã lực, và ra thêm kiểu thùng cao chở hàng. Năm 1962 có Trabant 600 với động cơ 23 mã lực. Hai năm sau đó xuất hiện Trabant 601 động cơ 26 mã lực. Thập niên 1980, DDR giới thiệu Trabant 1.1 bốn thì, 40 mã lực, giá tới 19.865 mark.

Thành xe Trabant gõ vào nghe cộp cộp rất lạ tai. Đó là vì dưới vỏ kim loại mỏng có ốp lớp duroplast, một vật liệu làm từ nhựa phenol và xơ bông, do kỹ sư Đức Wolfgang Barthel tạo ra để giảm sử dụng kim loại, vốn khá hiếm ở Đông Đức. Chính vì lớp duroplast này, mà người ta hay gọi đùa Tranbant là xe đua các-tông.

*
Volkswagen tiếng Đức nghĩa là “xe quốc dân”, không đọc là vôn-x-wa-gơn mà là phôn-x-va-gần

*
Volkswagen tiếng Đức nghĩa là “xe quốc dân”, không đọc là vôn-x-wa-gơn mà là phôn-x-va-gần



Vận tốc tối đa của một chiếc Trabant P50 là...

100 km/h

Đi, Trabi, đi nào!

Hai thì, chạy xăng pha, xe Trabant không bền. Nhưng thị trường không có nhiều lựa chọn, nên dân Đông Đức cứ phải xếp hàng đăng ký mua và chờ đến hơn 10 năm mới được giao xe. Chuyện như đùa vẫn được kể ở Bảo tàng DDR là các gia đình phải lo sắm xế cho con ngay khi nó rời mẫu giáo, thì lên đại học con mới có xe mà đi.

Không muốn chờ đợi thì chỉ có mua xe đã qua sử dụng giá đắt gấp đôi xe xuất xưởng. Chẳng dễ sắm được, nên nhà nào có Trabant cũng cố dùng xe thật lâu. Xe càng cũ, càng hay hỏng hóc, phụ tùng thay thế thì hiếm, nên lại phải cố tra lắp đủ thứ. May mắn, Trabant nổi tiếng là loại xe dễ sửa và dễ tuỳ chế nhất trên đời.

trabant car logo
Lấy cảm hứng từ sự kiện Liên Xô tiên phong khám phá vũ trụ và phóng thành công vệ tinh Sputnik I vào không gian ngày 4.10.1957, DDR đặt tên cho dòng xe đầu tiên của ngành chế tạo ôtô nước nhà là Trabant, có nghĩa là "vệ tinh".
Darin Schnabel / RM Auctions.

Để tự sửa các hư hỏng bất ngờ trên đường khi lái một chiếc hai thì và không có bơm xăng, dân đi Trabant luôn phải đem theo hộp đồ nghề và chai dầu máy. Đó cũng chính là thứ mà ngày nay khách tham quan có thể tìm thấy, khi ngó vào sau thùng xe của chiếc Trabant trắng ngà trưng bày ở Bảo tàng DDR.

Và chuyện còn kể rằng trên đường sá Đông Đức đầy xe cũ, chẳng hiếm cảnh vài người è cổ đẩy một chiếc Trabant chết máy, vừa đẩy vừa hô “Geh, Trabi, geh!”* (Đi, Trabi, đi nào!). Việc này thường ngày đến nỗi về sau dân gian đã dùng câu “Geh, Trabi, geh!” như một khẩu hiệu cho những lúc cần thúc giục, động viên.

*
Geh, Trabi, geh! Trong tiếng Đức, xe thì fahren (chạy), chứ không gehen (đi) như người. Gọi Trabi và dùng gehen/geh với Trabant là hàm ý xem chiếc xe như người thân.

*
Geh, Trabi, geh! Trong tiếng Đức, xe thì fahren (chạy), chứ không gehen (đi) như người. Gọi Trabi và dùng gehen/geh với Trabant là hàm ý xem chiếc xe như người thân.



Geh, Trabi, geh!

[ Đi, Trabi, đi nào! ]

Trabant “lên đường”

Dòng xe chạy xăng pha dầu, kéo khói trắng mịt mù không đua nổi với công nghệ xe hơi vào những năm 1980. Lạm phát còn làm giá xe tăng cao và kế hoạch xuất khẩu Trabant sang phương Tây bị phá sản. Khi Bức tường Berlin sụp đổ cuối năm 1989, dân Đông Đức ào đi mua xe Tây Âu. Trabant mất thị phần. 

Những chiếc Trabant đầu tiên vượt Bức tường Berlin sang phía Tây đã được chào đón nhiệt liệt, nhưng chỉ như một điển hình cho sự thống nhất. Cuối cùng, vào ngày 30.4.1991, nhà máy VEB Sachsenring ở Zwickau đành phải ngưng sản xuất Trabant ở chiếc thứ 3.051.485, theo số liệu của tạp chí Spiegel.

Chiếc Trabant 601 dòng S De Lux đời 1978 được đấu giá ở Anh đầu năm 2022.
Historics Auctioneers.

Thập niên sau đó, vẫn có một triệu xe Trabant còn được sử dụng và đến năm 2007, con số này theo thống kê của Văn phòng Liên bang về Xe có động cơ (KBA) là khoảng 52.000 chiếc. Khoảng vài ngàn chiếc Trabant khác cũng còn được nhìn thấy ở các nước Đông Âu, vốn cùng Khối Xã hội Chủ nghĩa anh em với DDR.

Nhưng vào năm 2009, khi chính phủ Đức kích cầu và trợ cấp 2.500 euro cho mỗi cá nhân muốn mua xe hơi mới, số Trabant giữ đăng ký ở KBA chỉ còn khoảng 35.000 chiếc, giảm 95% so với hồi năm 1993. Nhiều người không đi Trabant nữa, vì một số thành phố hạ chuẩn phát xả khí thải xuống mức loại xe này không kham nổi.



Ngày 30.4.1991
nhà máy VEB Sachsenring dừng sản xuất Trabant ở chiếc thứ

3.051.485

Trabant trở lại

Dù vậy, thành phố Berlin vào năm 2009 lại tuyên bố Trabant là một thương hiệu nổi tiếng của Đông Đức cần được giữ gìn. Những chiếc xe xả khói nhiều hơn quy định, nhờ đó, vẫn được thoải mái chạy quanh thủ đô và Berlin ngày nay là thành phố có số xe Trabant còn chạy trên đường nhiều nhất nước Đức.

Trabant cũng trở thành một nét hấp dẫn đối với du khách và công ty Trabi Safari thức thời đã tổ chức được một đội xe đến 90 chiếc Trabant cho du khách thuê chạy quanh Berlin, Dresden, và Potsdam. Số xe này được duy trì nhờ những phụ tùng thay thế vẫn còn sản xuất ở một nhà máy nhỏ tại Hungary.

Trabi Safari
Đội xe Trabi Safari trước Bảo tàng Trabi World ở Berlin, Đức năm 2013.
Lotse, Wikipedia.

Trong khi xe Trabant cũ hiện được bán trên mạng với giá khoảng 1.000-2.000 euro, một số nhà sản xuất ở Đức lại ấp ủ mong muốn tái sản xuất xe đua các-tông. Mua được quyền sử dụng thương hiệu xe Trabant, công ty xe hơi Herpa và IndiKar của Đức đang tích cực tìm kiếp đối tác để thực hiện tham vọng trên.

Khảo sát của Herpa tại Triển lãm ô tô Frankfurt 2007 cho thấy 93% số người được hỏi muốn mua mẫu xe Trabant do hãng này chế tạo. Dự kiến chiếc xe hơi điện có kiểu dáng như Trabant “huyền thoại” sẽ xuất xưởng vào năm 2012 với giá 25.000 – 30.000 euro. Chiếc New Trabant* có thể sẽ được gắn động cơ BMW.

Bản đầu tiên đăng trên báo
Sài Gòn Tiếp Thị 1.10.2010

*
Vậy mà tới giờ vẫn chưa thấy cái xe New Trabant này!

*
Tới giờ M vẫn chưa thấy cái xe New Trabant này!!!

* Tính năng chỉ dùng được trên máy tính và máy tính bảng. 



Muốn có một chiếc Trabant, phải đăng ký mua trước...

10 năm

©

.
 

©
Trabant P50 trên đường phố Dresden, DDR, năm 1961. Richard Peter, Deutsche Fotothek.

Leave a Reply