Giữa vùng bao la này, xa lộ 15 chỉ như sợi ruy-băng mảnh, mà cho dù có đi qua đó trên một chiếc 45 chỗ đồ sộ, tôi vẫn không khỏi băn khoăn, rằng dọc đường “có gì” thì làm sao, ở những đoạn vắng vẻ và ngoài vùng phủ sóng, nhất là dưới thời tiết hoang mạc thuộc hàng khắc nghiệt nhất Bắc Mỹ, có ngày nắng nóng trên 50°C, có đêm lạnh dưới -10°C.
“Chị biết chỗ mấy cái biển call box bự bự đó là gì không?”, Hùng Trung – người hướng dẫn đoàn – chỉ tay ra phía cửa xe và hỏi. Từ đó, tôi bắt đầu để ý đến những cái cột bên đường có biển báo xanh dương, in từ “call box” màu trắng bằng cỡ chữ lớn, đến mức xa hàng trăm mét cũng đọc được. Phía trên tấm biển bắt mắt đó, ngay đỉnh cột, dễ nhận ra là bộ đèn quang năng. Bên dưới biển này là một hộp màu vàng chói, bắt mắt không kém, gắn cao chừng ngang tầm tay. “Chắc là trạm điện thoại dây thép hả”, tôi đoán dựa vào nghĩa của chính từ call box. “Điện thoại, nhưng không phải loại bình thường đâu”, Trung đáp.
.
Wifi phát trong xe đã giúp tôi tìm được trên mạng những thông tin đầy thú vị. Hóa ra, dọc các xa lộ ở California, cứ khoảng 800-1.000m sẽ có một trạm call box và trong cái hộp vàng chói kia là một bộ điện thoại không có phím số. Gặp sự cố, người đi đường sẽ chạy đến các trạm này, mở hộp vàng ra và bấm vào cái nút đỏ trên máy là gọi được ngay đến tổng đài để thông báo sự việc, rồi sau đó cứ trở về xe “cố thủ” và chờ người đến giúp. “Các cột này đặt cách nhau một khoảng sao cho người ta có thể chạy bộ tới rồi trở về xe mà không bị đuối sức trong điều kiện khắc nghiệt”, Hùng Trung giải thích.
Xây dựng từ năm 1962 cùng với sự phát triển của công nghệ pin mặt trời, hệ thống call box đã vươn đến tận những nơi mà đường điện không kéo tới. Đó là một nỗ lực của bang California để người dân thêm an toàn khi đi qua những cung đường hoang vu nhất nước Mỹ. Về sau, nhiều bang khác cũng lắp đặt hệ thống này và call box có cả loại gắn bàn phím chữ để những người không trao đổi được bằng lời nói liên lạc tổng đài qua tin nhắn. Các trạm call box này – như cái bạn thấy trong hình đầu bài – luôn gắn biển báo phụ có hình bàn phím* để người khuyết tật tiện nhận biết từ xa trạm nào hợp với mình mà chạy tới.
©
.
©
Xa lộ Liên bang 15 đoạn qua hạt San Bernardino. Metro Tám.
Không người Việt nào mà tôi có dịp gặp gỡ ở California nói rằng họ đã từng một lần dùng tới trạm call box, dù tất cả đều biết công năng đầy tính nhân văn của hệ thống này. Và cái hộp nhựa polycarbonate có màu vàng chói kia chứa gì bên trong, dùng như thế nào… thì có người rõ, mà cũng có người không. Trong cuốc xe cuối chiều quanh khu Anaheim ở vùng ngoại ô thành phố Los Angeles, Phương Thảo dừng trước một trạm call box cho tôi chụp mấy tấm hình tư liệu, rồi khẽ lắc đầu, nói: “Có chuyện thì em gọi điện thoại di động cho lẹ, chứ chạy kiếm cho được mấy cái cột này chắc xỉu luôn”.
California có 15.000 trạm call box đặt dọc theo 10.000km xa lộ của bang. Nhưng những bài báo tôi đọc được về call box đang nói đến việc sẽ giảm số lượng trạm điện thoại cứu hộ này vì người dân giờ ít tìm tới đây gọi trợ giúp. Khi cần, họ sẽ làm như Thảo, ngồi trong xe, bấm điện thoại di động gọi tổng đài 511. Từ chỗ là phương tiện liên lạc hữu hiệu cho người gặp nạn trên xa lộ trong suốt nửa sau của thế kỷ 20, các trạm call box nay chỉ nhận được dưới 20% số cuộc gọi so với trước. Trung bình, mỗi tháng một cột call box chỉ được ai đó đến mở ra dùng… một lần. Và con số này vẫn đang tiếp tục giảm.
Cho dù có thế nào, khách viễn xứ như tôi – khi đi trên những cung đường thênh thang như các xa lộ ở California – vẫn thấy vừa an tâm vừa thích thú khi nhìn cái hộp màu vàng chói của các cột call box đều đặt lướt qua ngoài cửa xe. Hãy cứ tưởng tượng cảnh này mà xem: Xe bạn đang chạy xuyên qua hoang mạc Mojave vào một ngày rát nắng hè thì bỗng… Một thiên thạch lớn xé trời, lao xuống, nổ ầm, rồi gây ra sóng xung kích làm tê liệt hết xe cộ và hệ thống điện thoại di động. Lúc đó bạn sẽ làm gì, dưới cái nóng thiêu đốt lên đến hơn 50°C?
Chạy! Tới call box! Nhấc máy lên và hét vào đó: “Help! Help!”
Rồi. bạn. sẽ. được. cứu!
Bản đầu tiên đăng trên báo
Thế Giới Tiếp Thị tháng 12.2019