©

©
MetroTam.

Những dòng chữ nguệch ngoạc ở Sparrenburg

Những dòng chữ nguệch ngoạc ở Sparrenburg

Quanh co qua những cung đường hẹp và dốc, chúng tôi lên đỉnh đồi Sparrenberg ở Bielefeld vào một chiều Tháng Tư, đến một nơi mà Stefan cam đoan rằng mọi người sẽ rất thích.

Xe được để lại ở một rẻo thấp hơn rồi từ đó chúng tôi rảo bước qua một lối đi hun hút, khá dốc. Và khi cây cối hai bên vừa thưa ra, tôi sửng sốt nhìn thấy xa xa cuối đường một công trình đá: Một pháo đài! 

Những cung tường 800 năm

Đó là Sparrenburg được xây dựng từ khoảng năm 1220 để trấn giữ một khe hẻm xẻ qua dải núi rừng Teutoburg, cách đó hơn 2 cây số về phía Nam. Nhưng cây cầu mà ba chúng tôi đi qua để vào cổng Đông Nam của pháo đài lại có cấu trúc mộc mạc như được tạo ra gần đây, trong những lần phục chế. Stefan gõ gõ vào lan can sắt mới trên cầu, giải thích: “Vì là một điểm đặt pháo phòng không, nên chỗ này bị không kích nặng nề trong Chiến tranh Thế giới 2”. Ra vậy!

Nhưng chỉ cần đi qua lớp cổng “mới” ấy, rồi băng qua bãi cỏ, chúng tôi tìm lại được vẻ Trung Cổ của công trình trong một cửa vòm bằng đá dày cả thước, phủ tầng tầng lớp lớp lá xanh của một cây thường xuân có lẽ đã trăm tuổi, có những thân leo cuộn lên từ gốc tựa như những con rắn. 

Tám thế kỷ đã trôi qua phía sau cửa vòm ấy, để lại những công trình xưa cổ. Nền của một công trình thế kỷ 13 vùi dưới 3m đất được khai quật vào năm 2007 cho thấy bá tước Ravensberg đã cho xây ở đây một lâu đài nhỏ có 5 gian. Khi có phát minh về thuốc nổ, súng canon, và các loại hỏa lực tầm xa, 4 tháp pháo và các cung tường dày 2m có lỗ châu mai được xây dựng vào thế kỷ 15-16, biến lâu đài Sparrenburg thành pháo đài.

Suốt 3 thế kỷ, nước sinh hoạt được nông dân quanh vùng cần mẫn chở đến Sparrenburg hàng ngày, cho tới khi một giếng khơi được đào vào thế kỷ 16, sâu 61m, có mái che và trục quay thả gàu. Nhưng đến khi ống dẫn nước vươn đến đây vào thế kỷ 17 qua cây cầu nối với cổng đá Đông Nam, giếng bị bỏ hoang. Và ngày nay chỉ những du khách tò mò như chúng tôi vẫn đến nhìn xuống dưới, kiếm tìm làn nước của trăm năm trước.

Những dòng chữ nguệch ngoạc khắc trên đá

Ở trung tâm khuôn viên pháo đài có một tháp canh Trung Cổ từng bị phá đi cùng với khu lâu đài vào thế kỷ 17, khi Sparrenburg mất dần vị trị chiến lược về quân sự. Nhưng những con người lãng mạng của thế kỷ 19 đã phục dựng lại cho Sparrenburg một tháp canh cao 37m mà khi ngước nhìn lên trong chiều mây vần vũ, tôi cứ tưởng tượng rằng sắp có một con rồng như trong phim Game of Thrones bay tới đậu trên đó gầm gừ nhìn xuống.

Bở hơi tai leo lên những bậc thang gỗ vang tiếng giày cồm cộp, chúng tôi lên đến đỉnh tháp canh. Phóng mắt nhìn ra xung quanh, thấy hẻm núi Teutoburg xa xa, mới hiểu vì sao 500 năm trước công tước Cleves quyết tâm biến Sparrenburg thành pháo đài. Chúng tôi không thấy con rồng của Bielefeld, nhưng tìm thấy trên 21 tảng đá chắn quây quanh đỉnh tháp, những dòng khắc của bao thế hệ lính canh đã gác ở đây trong 200 năm qua. 

Tập trung ở những tảng đá phía Tây Nam hướng ra hẻm núi Teutoburg, những dòng khắc nguệch ngoạc kể lại những khoảnh khắc của chiến tranh. Ai đó từ Berlin gác ở đây vào năm 1885. H Schmidt ở “Mặt trận C” gác ở đây năm 1924. F. Thiel Lohnen gác ở đây năm 1929. C.S. gác ở đây năm 1940… Khi phát hiện ra điều này, tôi và Stefan đố nhau tìm dòng khắc xưa nhất, và phát hiện ra dãy số 18XX (1820) trên cột đá số 5, nhưng tên người lính thì đã bị nhòa đi dưới những cái tên khác.

Cứ như vậy, từ những tảng đá chắn trên đỉnh tháp canh Sparrenburg chúng tôi thấy lại những cuộc chiến đã đi qua trên vùng đất Bielefeld này hai thế kỷ qua, để mà thấy cuộc đời bình yên dưới bầu trời vần vũ chuyển mưa ngày hôm đó là quý giá biết bao. Lần tới nếu có đi Bielefeld, bạn hãy tìm đến đồi Sparrenberg cao 180m và pháo đài Sparrenburg ở đó, rồi một lần trong đời dốc sức leo lên đỉnh tháp canh để hiểu vì sao quân xe – castle trong cờ vua có răng cưa trên đầu.

Bản đầu tiên đăng trên báo
Thế Giới Tiếp Thị tháng 6.2020

Leave a Reply