©

©
MetroTam.

Trang viên rực rỡ của Claude Monet

Trang viên rực rỡ của Claude Monet

Khi biết rằng những bức tranh hoa súng triệu đô đã được Claude Monet vẽ ngay trong chính vườn nhà, tôi cứ thắc mắc rằng miền cây cỏ ấy thực tế trông như thế nào.

“Hãy mang theo xe đạp!”, Daniel khuyên như vậy. Thế là một buổi sáng tháng tư, tôi vác chiếc xe của Dung lên một chuyến tàu sớm, đi từ Paris xuống Vernon. Rồi từ đó, chẳng cần nhìn bản đồ, tôi cứ đạp xe theo những mũi tên màu xanh in trên mặt đường là đến làng Giverny, cách đó 5km.

Con đường màu xanh

Những mũi tên dẫn vào một lối ưu tiên cho khách bộ hành và xe đạp, mà ngày trước là tuyến ray xe lửa nối các làng xã trong vùng, nay trồng đầy thuỷ tiên trắng, diên vĩ tím, tulip đỏ, cùng triền miên hoa dại ven vệ cỏ. Nhà bên đường tường gạch mái trầm góp vào những dáng anh đào tưng bừng hoa trắng, hoa hồng, hay những tường rào đá phủ cây bụi nở những đóa nõn xanh. 

Trên lối xinh đẹp ấy, có một tôi vừa đạp xe, vừa khe khẽ hát và nhớ về một ngày tháng 4 khác của năm 1883. Khi đó, cũng trên cung đường này, một chuyến xe lửa từ xã Vernon đi đến xã Gasny có Claude Monet ngồi bên cửa sổ toa xe, nhìn ra say ngắm cảnh sắc tươi đẹp của khu làng nhỏ Giverny. Một tháng sau, ông đưa cả gia đình đến đây, thuê căn nhà có khu vườn táo rộng một mẫu nằm sát bên đường tàu và hương lộ. 

Giverny mùa xuân nô nức khách tham quan, nên tôi đã nghe lời Daniel đến quầy vé trước 9g, để được là một trong những người đầu tiên trong ngày bước vào trang viên Monet và tận hưởng điều ít ai có được: Ngắm căn nhà màu hồng có những ô cửa màu xanh và vườn hoa rực rỡ trong trong sự yên vắng.  

Trang viên ngập sắc hoa

Monet vẽ và bán được nhiều tranh hơn khi chuyển đến Giverny. Và đến năm 1890, vị hoạ sĩ tiên phong của trường phái ấn tượng đã có thể mua lại trang viên này, mở rộng căn nhà và thay vườn táo bằng một vườn hoa. Vẫn được giữ gìn nguyên ven, nhà của Monet nay khiến khách tham quan tưởng như gia đình ông vẫn đang ở đây, trong những chi tiết tinh tế đầy sống động: Tiếng gà gáy vang lên bên khu nuôi gia cầm, bức hoa súng vẽ dở để trên giá gỗ, mấy tấm áo gối vừa may đặt bên chiếc máy khâu hiệu Hurtu, chiếc ấm đồng chờ được đổ đầy dưới vòi nước cũng bằng đồng…  

Mỗi không gian trong căn nhà của danh họa sơn một màu khác nhau – vàng, tím, xanh – như trên bảng màu của ông và được trang trí bằng tranh, cùng đồ gỗ kiểu Nhật – nền văn hoá ông say mê. Tôi thích căn phòng ăn rực rỡ, nơi 12 cái ghế màu vàng đặt quanh một bàn ăn lớn cũng màu vàng. Mọi người trong gia đình Monet chắc đã ra vườn đi dạo sau bữa sáng, nên tôi cũng theo ra ngoài, xuống khu vườn được đặt tên là Clos Normand. Rồi tôi thấy mình lạc vào bức The Flowered Garden (Khu vườn đầy hoa) mà Monet vẽ năm 1902, với những thảm tulip đua chen bên mẫu đơn, anh túc, diên vĩ, quanh những tán cây mơ, cây táo vừa lên lá tươi xanh.  

Hồ hoa súng

Cuối vườn Clos Normand, một đường hầm nhỏ xuyên hương lộ dẫn tôi đến vườn Jardin d’Eau, nhưng thường được gọi là hồ hoa súng. Monet mua khu đất này vào năm 1893 rồi cho khơi nước suối gần đó vào thành hồ. Tháng tư, tôi không có dịp thấy những bông hoa nở hồng mặt nước, nhưng những vạt lá súng dập dềnh trên sóng xanh và cỏ hoa phơi phới quanh hồ vẫn dẫn vào những bức Hồ hoa súng trứ danh có hàng liễu rũ thướt tha, những khóm hoa đủ sắc, vòm hồng leo đỏ, cây cầu Nhật Bản xanh, và chiếc thuyền nhỏ cũng màu xanh gối bên một rặng tre.

Tôi ngồi xuống một băng ghế gỗ cuối mạn tây, ngắm nhìn hồ nước soi bóng mây trời, chợt nghe thấy cuộc chuyện trò của một người đàn ông râu trắng đội nón rơm với một phóng viên từ mùa hè năm 1915: 

– Monet, vì sao ông tạo nên khu hồ hoa súng này?

– Ồ, tôi thích nước và tôi cũng yêu hoa. Vì vậy, một khi hồ đã đầy nước, tôi nghĩ đến việc thêm hoa vào. Tôi cứ cầm catalogue và chọn ngẫu nhiên một loại hoa. Thế thôi!

Mãi 2g chiều tôi mới rời trang viên Monet, bước ra cổng vẫn thấy một hàng người dài cả trăm mét chờ đến lượt vào tham quan.

Bản đầu tiên đăng trên báo
Thế Giới Tiếp Thị tháng 8.2019

Leave a Reply